Tháng 11 năm 1978 chị Đặng Thị Én, người con gái kiên trung của vùng cát Điện Ngọc, nguyên Huyện đội phó Điện Bàn trong kháng chiến chống Mỹ được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đời và quá trình chiến đấu của chị trải qua bao đau thương, nghiệt ngã song rất đỗi anh hùng. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con ở thôn 2 xã Điện Ngọc, mới 10 tuổi Én phải xa gia đình, lang bạt khắp nơi từ Sài Gòn cho đến Đà Nẵng để đi ở cho các nhà giàu kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Cuộc sống cơ cực từ tuổi còn thơ, nhưng Én rất giàu lòng yêu nước. Chiến tranh tràn vào xứ cát, quê hương chị ngày đêm bị địch lùng sục, bắt bớ những chiến sĩ cách mạng và hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn, biến làng quê trù phú trở thành vùng đất cát xơ xác, hoang tàn. Theo chân “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc”, chị cảm thấy không thể đi xa mãi mà phải về lại quê nhà để tham gia vào đội du kích xã, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương.
Về quê giữa lúc đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, chị cùng đồng đội vừa đánh giặc giữ làng, vừa sớm hôm tần tảo với ruộng đồng để trồng khoai, cấy lúa, chắt chiu cho cuộc sống gia đình khỏi bị đói. Thời ấy, Én còn âm thầm đào công sự nuôi giấu cán bộ du kích trong nhà và liên tục đóng góp vào quỹ nuôi quân. Đã bao lần bị sa vào tay giặc, nhưng chị vẫn một mực giữ vững phẩm chất và ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, kiên quyết bảo vệ cơ sở cách mạng. Năm 1966, chị lập gia đình với anh Huỳnh Mua, là thôn đội trưởng du kích. Từ ấy, hai vợ chồng hai chiến sĩ với bao lần vào sinh ra tử, mặt giáp mặt với quân thù lập nên bao chiến công xuất sắc.
Đầu tháng 2/1967, nghe tin người vợ yêu quý của mình sinh con đầu lòng, và “sinh đôi” 2 cháu đều con trai, anh mừng quá. Tranh thủ trên đường đi công tác, anh ghé tạt qua nhà để thăm con. Nào ngờ, bọn địch đánh được hơi và cho lính phục kích quanh nhà để bắt cho được anh. Vừa bước tới nhà, chưa thấy mặt hai con nhưng anh lại nghe tiếng hô to “Ê” ! “Thằng việt cộng kia đứng lại, nếu chạy sẽ bị bắn chết”. Trong tình cảnh nguy khốn ấy, không còn đường nào tháo chạy khi quanh mình bị bọn địch bủa vây, anh lạng lách và vội chui xuống nằm dưới công sự. Nhưng bọn giặc quyết không để anh lọt lưới, tên chỉ huy lệnh cho các tốp lính vây quanh nhà xăm hầm, rồi gài mìn cho nổ để phá tan công sự. Anh Mua bị thương nặng. Bọn chúng lôi anh lên khỏi miệng hầm và kêu vợ anh đang nằm trong buồng sinh ra chứng kiến. Nhìn thấy người vợ một mực thuỷ chung với chồng và gánh chịu đau thương, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Mua căn dặn chị : “Én ơi! Em hãy sống để nuôi con và trả thù cho anh”.
Mới sinh được mấy ngày, sức khoẻ suy kiệt, nhưng bọn địch vẫn xông vào đánh đập chị một cách hết sức tàn nhẫn. Dã man hơn, bọn chúng còn mổ bung, cắt tai, hớt mũi người chồng trước mặt chị, rồi dùng thanh cây dương liễu luồn sâu và giữa bụng treo phơi xác anh Mua giữa cồn cát nắng cháy để răn đe cả làng.
Thật là tội nghiệp cho chị, con mới sinh ba ngày bị mất cha, cuộc đời chị Én từ đây chẳng biết nương tựa vào đâu. Quê hương Điện Ngọc ngày càng bị chiến tranh tàn phá, huỷ diệt, chồng vì nước đã hy sinh, còn chị luôn bị bắt bớ với bao lần bị đòn roi, tra tấn, nên thân hình tàn tạ, gầy guộc lại phải hai vai gánh nặng hai đứa con sinh đôi bé bỏng nhưng lại cạn kiệt nguồn sữa mẹ. Thời gian dần trôi qua, hai con của chị cũng bị lâm bệnh nặng, mới 45 ngày tuổi hai đứa nhỏ cũng phải đành bỏ mẹ ra đi. Mất chồng, mất con, gia đình tan nát vì chiến tranh, nhưng chị Én ráng nén chịu bao đau thương để tiếp tục tham gia kháng chiến trả thù nhà.
Xung phong thoát ly ra căn cứ, nghe tin này tổ chức có ngăn cản vì ngại chị quá ốm yếu không đảm bảo đủ sức khoẻ để ra chiến trường đánh giặc, nhưng Én vẫn nằng nặc xin được trực tiếp cầm súng chiến đấu để trả thù cho chồng. Chiến công lừng lẫy nhất của chị là vào đầu tháng 2 năm Mậu Thân 1968, sau khi phát hiện một toán lính Mỹ 9 tên ngày ngày vác súng đi lùng sục, quậy phá khắp xóm làng, chị xin phép chỉ huy cho mình trực tiếp tiêu diệt bọn này. Quan sát kỹ trận địa chị bố trí trận đánh, tự tay mình đặt mìn đưa cả toán lính Mỹ lọt gọn vào bẫy mìn. Mìn nổ tung, cả đất trời Điện Ngọc chấn động, bảy tên lính Mỹ đền tội tại chỗ.
Nhận thấy một nữ chiến sĩ có gan dạ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu. Năm 1969 chị Én được điều động về trên với cương vị chỉ huy “Huyện đội phó Điện Bàn” phụ trách các xã vùng cát. Cả Điện Bàn lúc ấy sục sôi khí thế “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Nguỵ mà diệt”, chị liên tục cùng đồng đội kiên cường trong chỉ huy chiến đấu, đánh được nhiều trận xuất sắc và hai lần bị địch bắt đưa vào nhà tù.
Lặn lội với chiến trường, lại bị địch đánh đập, tra tấn hết sức dã man và trĩu nặng nỗi niềm đau thương mất chồng, mất con nên ngày rời tay súng về lại quê hương chị Én bị bệnh co giật, sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng. Nhưng với bản lĩnh một nữ anh hùng, chị vẫn tiếp tục cống hiến sức lực còn lại của mình để cùng bà con nhân dân xây dựng quê hương. Đến Điện Ngọc, nhắc đến chị Én thì ai cũng kính trọng, quý mến. Ông Trần Duy Vũ, nguyên Huyện đội trưởng Điện Bàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Điện Ngọc đã nói : “Chị Én là một Đảng viên, một hội viên Cựu chiến binh hết sức mẫu mực. Giúp đỡ cho đồng đội, tự thân chị đi khắp nơi vận động để kiếm tiền xây dựng nhà tình nghĩa”. Còn đối với đoàn thể phụ nữ xã luôn có sự ghi nhận, đánh giá cao về chị“Gần bảy mươi tuổi, nhưng chị Én luôn là hình ảnh tiêu biểu trong phong tràp chị em giúp nhau làm kinh tế gia đình giúp chị em, xoá đói, giảm nghèo. Có trong tay chỉ vàng, đồng bạc nào tích luỹ được chị đều sẵn lòng cho chị em mượn không tính lãi”.
Bây giờ trong căn nhà nhỏ ở Điện Ngọc, chị sống và phụng dưỡng mẹ già yếu. Hai mẹ con, hai tuổi già sớm sớm, chiều chiều nương tựa vào nhau. Đặng Thị Én một chiến sĩ hết lòng vì nước, vì dân và ngời sáng mãi hình ảnh người nữ anh hùng.
Tên chủ tài khoản: Trường THPT Lương Thế Vinh
Số TK: 4218201000906
Tại ngân hàng Agribank, KCN Điện Nam - Điện Ngọc